Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Giúp bạn tái cơ cấu doanh nghiệp

Không ít trường hợp cơ cấu mới rất hay, rất chuyên nghiệp vẫn cứ không thể vận hành suôn sẻ. Cũng có khi, lãnh đạo thiếu nhất quán. Miệng hô hào thay đổi nhưng bản thân mình không hề thay đổi. Khi vận dụng cơ cấu tổ chức mới nhưng thói quen làm việc của sếp không đổi, chẳng mấy lúc thì cơ cấu ấy chết iểu như đứa trẻ sơ sinh không được mẹ cho bú. Nhiều lãnh đạo còn mạnh bạo hơn khi tuyển mới CEO và giám đốc nhân sự như một giải pháp tái cấu trúc. Đúng là có lãnh đạo mới sẽ thổi làn gió mới vào hệ thống và hệ thống sẽ được thay đổi theo. Tuy nhiên, khi hệ thống của công ty chưa vững, người mới vào, hoặc họ không biết xoay xở thế nào, hoặc doanh nghiệp không kiểm soát được hoạt động của họ. Một thời gian ngắn sau thì phát sinh sự cố. Đó là chưa nói đến việc chọn nhầm người, thay vì thổi gió mát, ta lại đưa gió độc vào nhà.



Cũng lắm khi doanh nghiệp giao khoán mọi việc cho chuyên gia tư vấn. Khổ thay, tư vấn chỉ là người ngoài, hiểu sao cho hết ngọn nguồn doanh nghiệp. Cho nên dù họ tài, vẫn không thể xây dựng giúp doanh nghiệp một cơ cấu tổ chức phù hợp nếu không có sự cộng tác tích cực từ lãnh đạo và các cấp quản lý.



Nói tóm lại, việc tái cơ cấu chỉ thành công khi công ty biết phát triển nội lực và tái cơ cấu từ nội lực của chính mình. Để làm tốt việc này, công ty cần có những hoạch định cụ thể và khoa học theo một lộ trình phù hợp. Thông thường, doanh nghiệp không tự làm nổi việc này thì cũng nên nhờ tư vấn hỗ trợ. Tuy nhiên, phải đảm bảo nhà tư vấn bạn nhờ có đủ năng lực và chỉ nên xem họ là “nhà tư vấn”. Nghĩa là tư vấn chỉ hỗ trợ bạn thiết kế một hệ thống quản lý mới, chuyên nghiệp hơn nhưng không làm thay cho bạn. Làm được điều này không dễ.

Source: Đừng để "tái cơ cấu" trở thành nỗi ám ảnh

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Kinh tế đã phục hồi chưa ?

Khi dấu hiệu hồi phục chưa rõ ràng thì những thông điệp và cách điều hành nền kinh tế cần thận trọng.

Khuyến nghị này được TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, đưa ra trong cuộc trao đổi mới đây với VnEconomy.

Ông nói:

- Việc những chỉ số của nền kinh tế đã có bước cải thiện hơn so với hồi đầu năm là một điều tốt, nhưng đó cũng là bình thường. Chẳng hạn như GDP, trong quý 1 là quý có tết Nguyên đán thì sản xuất bị ngưng lại nên tăng trưởng chỉ đạt 3,1% là dễ hiểu. Nhưng đến quý 2, khi mà mọi hoạt động của nền kinh tế đã quay trở lại và nhu cầu về tiêu dùng, xây dựng…có chiều hướng tăng lên thì GDP tiếp tục tăng lên cũng là điều bình thường.

Một số chỉ số khác như: xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp… đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt là đáng mừng. Song chúng ta cũng phải chú ý rằng, trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng đầu năm nay, biểu hàng xuất khẩu chỉ có 6 mặt hàng: vàng bạc, gạo, chè, hạt tiêu, sắn, hàng dệt may là tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2008, nhưng đến 50% số lượng mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng không đáng kể.

Không nên lạc quan tếu

Liệu nền kinh tế đang chuyển biến tốt và có dấu hiệu hồi phục, như một số nhận xét thời gian gần đây, thưa ông?

Để nói rằng những chỉ số tăng trưởng tốt đó là dấu hiệu của hồi phục kinh tế hay chưa, là một vấn đề cần phải thận trọng và cần phải có tiêu chí rõ ràng. Chẳng hạn chúng ta phải nói rõ là GDP tăng trưởng như thế nào thì nền kinh tế mới thực sự hồi phục; mức độ tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu, mức độ tạo công ăn việc làm là bao nhiêu; số người thất nghiệp đã giảm hay chưa…

Tất cả những tiêu chí đó đều phải được đưa ra thảo luận, nếu không thì rất dễ xảy ra tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, tức là người thì cho là đã hồi phục, người thì bảo chưa, như vậy sẽ làm rối loạn thêm cho nền kinh tế cũng như là các doanh nghiệp.

Hơn nữa, đến thời điểm này, trên thế giới không có một tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nào dám khẳng định rằng họ đã vượt qua đáy khủng hoảng rồi. Tất cả các tuyên bố đều nói rằng, tình hình tiếp tục phức tạp và có thể là cuối năm nay thì kinh tế thế giới có cải thiện, mức tăng trưởng âm có thể giảm đi một tý, chứ không có nghĩa là đã tăng trưởng dương rồi.

Nền kinh tế Việt Nam xuất khẩu chiếm đến 72% GDP, còn nhập khẩu và dịch vụ thì chiếm trên 100% GDP, thì rõ ràng chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới, trong khi các nền kinh tế lớn vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Chính vì thế, nếu nói rằng chúng ta có khả năng hồi phục sớm thì cũng phải nói rõ là hồi phục như thế nào, hồi phục lĩnh vực gì… Theo tôi, điều kiêng kị nhất lúc này là tránh lạc quan tếu, tức là tránh đưa ra những thông điệp quá dễ dãi, như tháng mấy sẽ tăng trưởng trở lại, tháng mấy, tháng mấy sẽ hồi phục...

Tôi chỉ xin lấy ví dụ, Singapore họ nói thẳng là năm nay họ sẽ tăng trưởng âm 8% và mức độ trì trệ do khủng hoảng sẽ kéo dài khoảng 6 năm, để Chính phủ và người dân cùng chuẩn bị tinh thần. Thủ tướng của họ tự trừ vào lương 15% trong suốt thời gian đó.

Với đặc điểm của người dân Việt Nam là khá cầu thị và thực dụng, tôi nghĩ chúng ta cũng nên có một thông điệp theo hướng khuyến cáo tình hình vẫn còn khó khăn, để mọi người cùng nỗ lực thì mới mong nhanh chóng bước ra khỏi cuộc khủng hoảng này.

Còn nếu chúng ta tạo ra một mối lạc quan tếu, cho rằng mọi việc đã “phơi phới” rồi, trong khi tình hình chưa có chuyển biến nhiều thì sẽ rất nguy hại. Chúng ta cần phải nghiêm túc với khẩu hiệu: “nhìn thẳng vào sự thật, hiểu rõ sự thật và nói đúng sự thật”.

Vậy, theo ông thì nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ rơi vào mô hình nào trong 4 mô hình hồi phục kinh tế mà các chuyên gia đưa ra vừa qua?

Theo tôi, mô hình mà chúng ta nên tránh và có thể tránh được là mô hình chữ “L”, tức là nằm mãi dưới đáy mà không thoát lên được, giống như Singaore và Nhật Bản. Chúng ta có một nền nông nghiệp khá hiệu quả vì các sản phẩm này có thị trường khắp thế giới và phù hợp với diều kiện suy thoái kinh tế.

Do vậy, với điều kiện chúng ta có cải cách mạnh mẽ, đổi mới cấu trúc của nền kinh tế thì có thể kinh tế sẽ tăng trưởng theo hình chữ “V” và đây là kịch bản mơ ước.

Nhưng quan điểm của tôi thì khả năng dễ xảy ra nhất của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng theo chữ “W”, tức là vẫn có lên, rồi lại xuống, lại lên… do cách điều hành, quản lý và triển khai thực hiện của chúng ta vẫn chưa ổn định và còn nhiều điều phải bàn.

Nhưng nhiều chuyên gia lo ngại rằng, khi mà các gói kích cầu liên tục được thực hiện thì khả năng quay trở lại lạm phát cũng rất lớn?

Đúng vậy, theo tôi thì những tín hiệu về chính sách tiền tệ là rất cần phải chú ý, bởi hiện nay tổng cung của phương tiện thanh toán đã tăng lên 11,4 %, cao hơn rất nhiều so với 5,3% của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy có nghĩa là chúng ta đã bơm tiền tăng cung tín dụng rất nhiều.

Bên cạnh đó, nếu giá dầu tiếp tục tăng lên, kéo theo một số mặt hàng khác tăng theo thì khả năng quay trở lại của lạm phát là hoàn toàn có thể.

Cần xem lại điều hành giá

Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực chống suy giảm kinh tế, nhưng đồng thời Nhà nước lại liên tiếp cho tăng giá xăng dầu. Theo ông điều này có hợp lý hay không?

Đây là một vấn đề cần phải được làm rõ. Trước đây, khi giá xăng thế giới là 147 USD/thùng thì giá xăng trong nước là 14.000 đồng/lít. Thế nhưng, hiện nay giá xăng thế giới là 55 USD/thùng thì chúng ta lại tiếp tục cho tăng giá xăng lên 12.500 đồng/lít.

Thử hỏi, nếu giá xăng thế giới chỉ cần tăng thêm 20 USD/thùng nữa thì chắc chắn giá xăng trong nước sẽ lại tiếp tục leo thang. Hơn nữa, so với giá xăng của Trung Quốc và các nước trong khu vực thì giá xăng của chúng ta đã cao hơn rất nhiều rồi.

Do vậy, trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn như hiện nay, nếu cứ liên tục tăng giá đầu vào thì chỉ có “phép màu” mới giúp các doanh nghiệp của chúng ta có thể cạnh tranh được.

Ngoài ra, giá điện của chúng ta cũng có vấn đề, đặc biệt là cách tính giá điện cao điểm vào buổi sáng. Hiện nay, điện vẫn là sản phẩm độc quyền, họ muốn tăng giá để gây sức ép cho các doanh nghiệp tránh giờ cao điểm đó, nhưng họ lại không thể đưa ra cho doanh nghiệp một lối thoát khả thi.

Tức là ông cho rằng, việc tăng giá điện, giá xăng liên tục là đi ngược lại với mục tiêu chống suy giảm kinh tế?

Cái đó thì cũng đã có nhiều ý kiến rồi. Còn theo tôi, việc tăng giá này còn đi ngược lại với mục tiêu kiềm chế lạm phát và mục tiêu giữ ổn định đời sống của nhân dân, bởi đơn giản, giá xăng lên thì chắc chắn giá các hàng hóa khác, giá vận tải cũng sẽ tăng theo.

http://kienthuckinhte.com

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Kế hoạch lãi lỗ trong quản lý tài chính

Ai là người cần một kế hoạch lãi/lỗ? Có phải việc đầu tư chỉ là mua gốc bán ngọn không? Nếu như lúc nào cũng mua gốc bán ngọn thì thật là tuyệt, nhưng chắc chắn rằng điều này gần như là không thể. Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng chỉ là con người: cảm xúc thường làm dao động sự phán đoán và bản chất chúng ta luôn ghét sự thất bại.

Thất bại trong giao dịch chứng khoán thành ra không chỉ làm thiệt hại cho ví tiền mà còn làm tổn thương cái tôi của chính chúng ta. Thường thì các nhà đầu tư kiếm lời bằng cách bán các cổ phiếu tăng giá, giữ lại những cổ phiếu xuống giá với hy vọng chúng sẽ tăng giá trở lại, và như vậy, những cổ phiếu này co lại còn một phần so với giá trị trước đó. Vậy làm thế nào các nhà đầu tư có thể tránh được những hậu quả đó? Một giải pháp được đưa ra là phải học để trở thành một nhà đầu tư có kỷ luật và phải thông qua một kế hoạch lãi/lỗ.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu vào chiến lược và sẽ chỉ cho bạn thấy sử dụng một kế hoạch lãi/lỗ như thế nào để có được số dư.

Một kế hoạch lãi/lỗ là gì?

Kế hoạch này là một bước mà rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ (và các nhà đầu tư chuyên nghiệp) thường coi nhẹ. Kế hoạch lãi/lỗ là tập hợp những giới hạn nhằm xác định mức độ thua lỗ lớn nhất hoặc lợi nhuận mà nhà đầu tư kiếm được trên một cổ phiếu. Một phần rất quan trọng trong việc đầu tư là phải tính đến những thua lỗ trong kế hoạch đầu tư của mình, bởi vậy kế hoạch lãi/lỗ sẽ là cốt lõi cho một chiến lược chính xác.

Tất cả chúng ta đều mắc phải sai lầm khi lựa chọn cổ phiếu và phần lớn đều bị mất tiền trên thị trường chứng khoán. Cái tạo nên những nhà đầu tư vĩ đại đó chính là khả năng nhận biết những lựa chọn sai lầm của họ và sử dụng chúng làm bài học cho những quyết định đầu tư sau này. Một kế hoạch lãi/lỗ giúp bạn nhận ra những sai lầm bằng cách cho phép bạn tách biệt vấn đề tình cảm với đầu tư. Nếu bạn không quá sốt sắng tới lợi nhuận mà chỉ xem chúng hoàn toàn như một phương tiện thúc đẩy sự lưu thông tiền mặt (trên hết cả là bản ngã của bạn) thì bạn sẽ có nhiều thời gian dễ dàng hơn để xem những cổ phiếu thua lỗ và hơn nữa là kiểm soát được chúng.

Đặt kế hoạch cho mình

Đặt ra một kế hoạch có thể khó hơn rất nhiều những gì bạn nghĩ. Trước tiên, bạn sẽ phải xác định mức lợi nhuận tối đa mà bạn sẽ chấp nhận và mức thua lỗ tối đa mà bạn cho phép đầu tư, nhưng các giới hạn tối đa và tối thiểu đó không nhất thiết phải áp dụng cho tất cả các loại cổ phiếu. Ví dụ: khi so sánh một cổ phiếu có tính thanh khoản cao (blue chip stock) với một cổ phiếu có giá trị thấp đang tăng trưởng (small-cap growth stock) thì khả năng tăng hay giảm 10% giá cổ phiếu có tính thanh khoản cao trong một năm ít hơn rất nhiều so với cổ phiếu có giá trị thấp. Nói một cách khác, bạn phải phân tích riêng từng cổ phiếu để ước tính nó có thể biến động đến mức nào.

Một số nhà đầu tư thường sử dụng phương pháp phân tích kỹ thuật (technical analysis) hoặc phân tích cơ bản (fundamental analysis) hoặc kết hợp cả hai để xác định những giới hạn thích hợp cho lợi nhuận và thua lỗ. Một cách khác để bạn đặt ra những giới hạn cho mình là mô hình hóa kế hoạch của bạn dựa trên việc thực hiện các mốc chuẩn đã đặt ra như chỉ số hoặc thậm chí dựa trên thành quả trước đây trong danh mục đầu tư của mình.

Một yếu tố khác mà bạn phải tính đến khi đặt kế hoạch lãi/lỗ là mức độ rủi ro cho phép dựa trên các yếu tố như cá tính của bạn, khung thời gian và nguồn vốn của mình. Điển hình là những người quan tâm tới rủi ro thường có những giới hạn chặt chẽ hơn những người không bận tâm tới rủi ro. Những người thích rủi ro thường sẽ kiếm nhiều lợi nhuận tới mức có thể từ việc cổ phiếu tăng giá, nhưng những nhà đầu tư bảo thủ hơn có thể bán cổ phiếu sớm hơn thời điểm tăng giá để loại trừ rủi ro thua lỗ, điều có thể xảy ra khi cổ phiếu rớt giá nhanh chóng. Nếu bạn muốn tránh xa rủi ro, thì một kế hoạch lãi/lỗ với 10% có thể là không phù hợp hoặc thậm chí là không thực tế đối với bạn. Mặt khác, nếu bạn sẵn sàng chấp nhận thêm rủi ro cùng với lợi nhuận tiềm năng thì 10% của kế hoạch lãi/lỗ có thể là thích hợp với bạn hơn.

Triển khai kế hoạch lãi/lỗ của mình

Ngay khi bạn quyết định con số lãi/lỗ, dù bạn là người bảo thủ hay là người năng động thì bạn cũng đưa kế hoạch đó vào hành động với càng ít cản trở càng tốt. Hãy nhớ rằng, kế hoạch này có hai yêu cầu: bạn phải bán cổ phiếu (1) nếu nó giảm xuống tới mức độ nào đó và (2) nếu nó tăng tới một mức nhất định.

Ngày nay, các nhà môi giới chứng khoán sẽ không để cho bạn đặt hai lệnh bán khác nhau cho cùng một loại cổ phiếu, vì vậy bạn phải xác định cổ phiếu nào bạn ưu tiên bán ra trước. Khôn hơn hết là bạn nên đặt lệnh cho các cổ phiếu để ngăn chặn trước khả năng sụt giá: rất nhiều nhà đầu tư khôn ngoan sử dụng lệnh cắt lỗ nhằm hướng dẫn nhà môi giới chứng khoán bán hay mua một cổ phiếu ngay khi nó đạt tới mức giá nhất định. Việc cắt lỗ đảm bảo rằng bạn sẽ không bị nhấn chìm trong thị trường xuống giá, đặc biệt là không phải lúc nào bạn cũng theo dõi được tất cả các phiên giao dịch. Khi bạn đặt lệnh với nhà môi giới chứng khoán của mình, hãy đưa ra mức giá mà bạn cho rằng tỷ lệ phần trăm thua lỗ là tối đa và sau đó hãy ngồi và chờ kết quả. Nếu giá khớp lệnh ở trần trên so với dự kiến của bạn thì bạn chỉ cần thay đổi giá cho lệnh cắt lỗ và bán ngay cổ phiếu của mình.

Giữ đúng kỷ luật

Khi đã có bản chiến lược lãi/lỗ trong tay thì bạn phải nhớ rằng toàn bộ ý tưởng của kế hoạch là để thiết lập những phương châm chỉ đạo nghiêm ngặt nhằm quyết định khi nào cần bán cổ phiếu. Chắc chắn rằng, bạn sẽ cảm thấy đau lòng khi thấy cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng giá khi bạn bán ra, nhưng thường thì bán một cổ phiếu đang lên giá tốt hơn là đợi cho đến lúc phải bán hạ giá khi giá của nó đang sụp xuống sau khi đã đạt tới giá đỉnh điểm. Chính Joseph P. Kennedy đã từng nói “chỉ có một thằng ngốc mới giữ lại cổ phiếu ở mức giá cao nhất”.

Kết luận

Hãy nhớ rằng những con số ví dụ của chúng tôi là sự suy rộng. Và để đặt một kế hoạch bạn cần phải có sự nghiên cứu tỉ mỉ, phân tích, tự đánh giá và có cái nhìn thực tế. Còn việc đặt một giới hạn lợi nhuận ở mức 100% (gấp đôi số vốn của bạn) không có ý nghĩa gì nếu bạn đầu tư vào các công ty có mức độ rủi ro thấp với tốc độ tăng trưởng đều mỗi năm là 15%.

Dưới đây là một vài điểm đáng nhớ:

- Một cổ phiếu giảm 50% có nghĩa là bạn sẽ cần gấp đôi số tiền để lấy lại vốn. Kiểm soát thua lỗ là chìa khóa cho chiến lược đầu tư hiệu quả.

- Mắc phải sai lầm là bản chất của con người. Một khi bạn nhận ra điều này, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn.

- Mua cổ phiếu và giữ nó trong một thời gian dài không có nghĩa là bạn sẽ kiếm được tiền. Một chiến lược mua và giữ sẽ chỉ hiệu quả khi bạn chọn được những công ty phù hợp.

Bạn có thể xem nhiều kiến thức tại: http://kienthuckinhte.com